Không có giáo viên cho các môn học mới
Theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các cấp học có thêm nhiều môn học mới, hoặc một số môn được đưa vào giảng dạy ở những cấp học khác nhau. Chẳng hạn, cấp tiểu học có thêm môn tin học (môn học bắt buộc từ lớp 3), hoạt động trải nghiệm. Cấp THCS có thêm các môn học mới: khoa học tự nhiên; lịch sử và địa lý; nội dung giáo dục địa phương; hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp. Cấp THPT có thêm các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); nội dung giáo dục địa phương.
Về mốc thời gian, dự thảo chương trình GDPT tổng thể được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 5.8.2016. Vào ngày 28.7.2017, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT chính thức thông qua chương trình GDPT tổng thể (tức chương trình GDPT 2018). Đến ngày 27.12.2018, Bộ GD-ĐT thông qua chương trình môn học.
Đáng chú ý, vào đầu tháng 9.2021, chương trình GDPT 2018 chính thức được triển khai ở lớp 6. Hai tháng trước đó (cụ thể ngày 21.7.2021), Bộ GD-ĐT mới ban hành Quyết định 2454 về chương trình bồi dưỡng giáo viên môn khoa học tự nhiên và Quyết định 2455 về chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý.
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành hai văn bản này, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí mới có thể mở lớp bồi dưỡng giáo viên. Vì thế, trong 2 năm học vừa qua, gần như đa phần các trường THCS công lập không có giáo viên tích hợp, giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó.
Nhiều địa phương đồng loạt phản ánh tình trạng thiếu giáo viên các môn học mới: cấp tiểu học thiếu giáo viên tin học; cấp THCS thiếu giáo viên tích hợp; cấp THPT thiếu giáo viên nghệ thuật.
Do thiếu nguồn tuyển, một số trường tiểu học vẫn chưa tuyển được giáo viên tin học. Đối với cấp THCS, kết thúc năm học 2022-2023 mới có khóa sinh viên sư phạm môn tích hợp đầu tiên ra trường để dạy cho năm học tới đây. Còn lại là đa số thầy cô đơn môn (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý) được tập huấn để dạy 2 môn tích hợp: khoa học tự nhiên; lịch sử và địa lý.
Còn cấp THPT phải tuyển mới hoàn toàn giáo viên âm nhạc, mỹ thuật vì 2 môn học này ở chương trình 2006 đã kết thúc ở học kỳ 1 của lớp 9. Tuy nhiên, trong chương trình GDPT 2018, hai môn học này nằm trong nhóm môn lựa chọn cho tổ hợp và là 2 phân môn bắt buộc trong môn nội dung giáo dục địa phương. Vì không có giáo viên nên năm học 2022-2023 vừa qua, đa số các trường THPT không thể xếp tổ hợp với các môn âm nhạc, mỹ thuật. Đối với môn nội dung giáo dục địa phương thì 2 phân môn âm nhạc, mỹ thuật cũng không được dạy vì không có giáo viên.
Gặp quá nhiều khó khăn và ý kiến trái chiều khi triển khai
Nếu tính từ khi Bộ GD-ĐT ban hành chính thức chương trình tổng thể vào ngày 28.7.2017 đến khi triển khai giảng dạy lớp 6 vào năm học 2021-2022 là hơn 4 năm nhưng nhân lực dạy 2 môn tích hợp ở nhiều địa phương hoàn toàn bị động, gần như thiếu hoàn toàn.
Nhiều địa phương phải sang năm học 2022-2023 mới có thể bố trí cho một bộ phận nhỏ giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức để về dạy cả môn học tích hợp và hết năm lớp 7 vẫn đang phải bố trí giáo viên dạy theo phân môn. Một môn học vẫn có 2-3 giáo viên cùng giảng dạy.
Giáo viên đơn môn được bồi dưỡng ngắn hạn khó có thể “ôm” được cả môn tích hợp. Nếu giáo viên chỉ dạy cho hết bài, truyền thụ qua loa những kiến thức trong môn tích hợp thì điều này không khó. Tuy nhiên, cái khó là làm sao giáo viên có thể giúp học trò làm chủ kiến thức để vận dụng vào thực tiễn và phát triển phẩm chất, năng lực của các em như mục tiêu của chương trình GDPT 2018.
Đối với cấp THPT, tổ hợp của nhiều trường vẫn vắng bóng môn nghệ thuật vì không có nguồn giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để tuyển dụng.
Rõ ràng, ngành giáo dục chủ trương “tích hợp” một số môn học chưa khoa học và chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực đối với các môn học mới. Vì thế, khi triển khai thì gặp quá nhiều khó khăn và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Vừa đổi mới vừa “đắp vá” và “chữa cháy” liên tục
“Mong học sinh đừng hỏi câu nào quá hóc búa” là chia sẻ chân thật về thực trạng dạy môn tích hợp của một trưởng phòng giáo dục ở TP.HCM vào đầu năm học 2022-2023.
Người lãnh đạo đã thay tiếng nói của giáo viên cơ sở bộc lộ nỗi niềm sâu kín về cái khó, cái khổ khi gồng gánh đứng lớp môn tích hợp ở bậc THCS. Lời phát biểu này cũng phản ánh thực tế trần trụi về quá trình vận hành chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS, nhất là việc triển khai dạy các môn tích hợp.
Môn học khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý triển khai đến nay là năm thứ 3. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu để dạy môn tích hợp chưa “ra lò”.
Lẽ ra, ngay từ khi thiết kế và xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT và các ban ngành liên quan phải tính toán sát sao và cẩn trọng hơn ở khâu chuẩn bị nhân lực đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Do ngành giáo dục không chuẩn bị kỹ càng về đội ngũ giáo viên dạy tích hợp nên bao chuyện tréo ngoe được phản ánh trên mặt báo suốt 2 năm nay.
Đáng lo vô cùng khi nhiều địa phương chưa thể triển khai “người thầy tích hợp” buộc phải tiến hành “3 thầy 1 sách”, “2 thầy 1 sách”. Thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch theo hành trình cuốn chiếu của từng phân môn, áp lực “chạy sô” dồn ứ mấy chục tiết lên giáo viên trong từng khoảng thời gian ngắt quãng đến mệt nhoài.
Trong khi đó, học sinh học xong mảng kiến thức này, phải tạm nghỉ chuyển sang mảng kiến thức khác và quay cuồng với khối lượng kiến thức cần nhớ, năng lực cần mài giũa, phẩm chất cần vun bồi… Hiệu ứng tích cực của quá trình dạy học lấy người học làm trung tâm và hướng sâu hơn vào việc bồi dưỡng năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh sẽ đạt bao nhiêu phần trăm so với mục tiêu đổi mới giáo dục?
Dường như chúng ta đang đi ngược lộ trình của quá trình đổi mới giáo dục: Trước khi vận hành chính thức chương trình GDPT 2018, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phải hoàn thiện phần cơ bản và hoàn chỉnh dần trong quá trình triển khai thực hiện. Còn ở đây, dư luận đang chứng kiến thực tế trái ngược, chương trình mới thực hiện cuốn chiếu ở 3 cấp học trong khi đội ngũ giáo viên dạy tích hợp và các môn học nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ thiếu thốn về lượng và bất ổn về chất. Chúng ta vừa tiến hành đổi mới vừa “đắp vá” và “chữa cháy” liên tục.
Nhận định của Trường Việt Nam về bài viết:
Ngành giáo dục đang gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nhân lực cho các môn tích hợp. Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đưa ra nhiều môn học mới, tuy nhiên, trong 2 năm học vừa qua, gần như các trường không có giáo viên dạy các môn học này. Nhiều địa phương phải phản ánh tình trạng thiếu giáo viên cho môn tin học, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nghệ thuật. Việc thiếu nguồn tuyển giáo viên đã ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình GDPT 2018 và gây khó khăn cho giáo viên trong việc dạy các môn tích hợp. Ngành giáo dục cần chuẩn bị tốt về nhân lực để đảm bảo chất lượng giảng dạy và đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.