Trường công lập thiếu tự chủ và đối mặt với khó khăn về học phí thấp cùng vấn đề thiếu sinh viên tuyển sinh.

Trường ĐH Nông Lâm (Đại học Huế) đang đối mặt với những khó khăn do học phí thấp, hạn chế nguồn thu. Trường chỉ có thể nhận khoảng 800 sinh viên mỗi năm trong tổng số 1.300 thí sinh đăng ký, với mức học phí chỉ 10 triệu đồng mỗi sinh viên mỗi năm, thấp hơn nhiều so với các trường đại học khác. Ngân sách nhà nước giảm sút càng làm gia tăng áp lực tài chính. Trường thiếu nguồn kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng và không thể tạo thêm thu nhập cho giảng viên và nhân viên, dẫn đến các giảng viên trẻ ra đi tìm việc có thu nhập cao hơn.

Tình hình tương tự cũng tồn tại tại các trường đại học khác như Trường ĐH Lâm Nghiệp (Đại học Đồng Nai) và Trường ĐH Tài Nguyên Môi Trường (Đại học Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM). Các trường này đang tìm kiếm nguồn thu nhập thay thế, như hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tài trợ từ doanh nghiệp, nhưng gặp khó khăn do nguồn vốn hạn chế từ chính phủ.

Mặc dù gặp khó khăn này, các trường đại học cam kết duy trì chất lượng giáo dục cho sinh viên của mình. Họ kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ, tương tự như hỗ trợ dành cho ngành đào tạo giáo viên, và đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển dài hạn.

GIẢNG VIÊN TRẺ VÀO ĐƯỢC VÀI THÁNG LẠI NGHỈ DO LƯƠNG THẤP

PGS-TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), cho biết trường đang gặp khó khăn đổ dồn khi nhiều năm qua học phí (HP) chỉ ở mức 10 triệu đồng/sinh viên (SV)/năm trong khi hằng năm chỉ tuyển được khoảng 800 SV/1.300 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cấp cũng giảm dần theo từng năm. Vì thế, nguồn thu ngày càng eo hẹp, nhất là trong bối cảnh việc tuyển sinh khối ngành đặc thù này đang vô cùng khó khăn.

PGS-TS Đức chia sẻ: “Năm 2022, trong số khoảng 520.000 thí sinh nhập học vào các trường ĐH trên toàn quốc, thì chỉ có hơn 7.000 thí sinh vào các trường khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp. Hầu hết các em lựa chọn khối ngành kinh tế, sức khỏe, công nghệ… Tuyển sinh thấp, HP thấp nên nguồn thu từ HP của trường cũng thấp, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của trường”.

Theo ông Đức, với nguồn thu như vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất và các đầu tư khác là rất hạn chế. Tác động tiếp theo phải kể đến thu nhập của cán bộ, giảng viên. “Từ năm 2020 đến nay, cán bộ giảng viên chỉ có lương cơ bản và tiền vượt giờ chứ không có thu nhập tăng thêm. Một số giảng viên đi du học nước ngoài về bằng ngân sách nhà nước không chấp nhận được mức lương này nên đã nghỉ việc để tìm nơi khác có thu nhập tốt hơn”, ông Đức bày tỏ.

Tại Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp (Đồng Nai), TS Mai Hải Châu, Phó giám đốc, thông tin HP của trường hiện nay chỉ thu ở mức sàn, từ 12-14 triệu đồng/SV/năm học. Hằng năm chỉ tiêu của phân hiệu là 800 nhưng chỉ tuyển được khoảng 500-550, và phải rất vất vả mới được số lượng này.

“Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017 có đưa ra lộ trình tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, mỗi năm giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2011 – 2015 để tiến tới tự chủ hoàn toàn. Vừa giảm ngân sách vừa không cho tăng HP khiến nguồn thu của trường sụt giảm khủng khiếp. Hiện nay lương của 50% giảng viên là trường tự trả chứ nhà nước không trả, vì số lượng này không nằm trong biên chế nhà nước do quy định của luật Viên chức là không ký hợp đồng dài hạn”, TS Châu cho hay.

Tiền lương giảm khiến một số giảng viên tại phân hiệu này đã xin nghỉ việc. Có giảng viên làm giáo sư của trường xong thì chuyển đơn vị khác, hoặc giảng viên được trường cử đi học ở nước ngoài về cũng chuyển đi.

Một cán bộ của Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM cũng cho biết 5 năm nay trường chỉ thu HP ở mức 13,5-14,5 triệu đồng/SV/năm học. Chỉ tiêu của trường là 1.830 nhưng SV nhập học chỉ khoảng 1.200, tính thêm cao học và hệ vừa làm vừa học là 1.400.

“Vừa rồi trường dự tính là các ngành quản lý tăng thành 14 triệu đồng/năm và kỹ thuật thành 15 triệu đồng/năm nhưng phải dừng. HP thấp, quy mô đào tạo chỉ 4.000 SV/năm nên lương giảng viên cũng thấp. Ngày 1.7 vừa rồi lương được tăng nhưng tháng 8 lại bị hạ xuống vì không có kinh phí. Từ đầu năm đến giờ cũng có hơn chục giảng viên nghỉ việc”, vị cán bộ này chia sẻ.

CỐ GẮNG TẠO THÊM NGUỒN THU KHÁC

Trước những khó khăn này, lãnh đạo các trường cho biết cũng cố gắng tìm cách kiếm thêm nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kêu gọi doanh nghiệp tài trợ… nhưng không đơn giản.

TS Mai Hải Châu chia sẻ: “Chúng tôi cũng hướng đến việc tăng thêm nguồn thu bằng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên trước đây thì dễ còn giờ rất khó. Các nguồn kinh phí của nhà nước cấp cho hoạt động khoa học công nghệ đang bị cắt giảm. Các chính sách liên quan đến hoạt động này cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Việc tăng cường chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, cơ quan cũng có nhưng thu về không nhiều”.

Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp cũng muốn sử dụng đất đai và tài sản gắn liền trên đất để cho thuê hoặc liên doanh liên kết với bên ngoài để tạo nguồn thu nhưng lại vướng mắc khi luật Giáo dục ĐH thì cho phép nhưng luật Đầu tư công lại không cho phép.

Trong khi đó, Trường ĐH Nông lâm Huế muốn mở doanh nghiệp trong trường nhưng loay hoay mãi vì cơ chế rất khó. Trường không thể mở thêm ngành xu hướng để thu hút thêm SV, tăng thêm nguồn thu từ HP, vì sẽ trùng với các trường thành viên của ĐH Huế.

Học phí tại một số trường ĐH công lập

Chưa tự chủ:Tự chủ:
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM: 15 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: hơn 17 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Luật TP.HCM chương trình đại trà: hơn 30 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chương trình chuẩn từ 18,5-20,5 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Anh 46,3 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM các ngành triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý học, thông tin – thư viện và lưu trữ học khoảng 13 triệu đồng/năm, các ngành còn lại từ 19,8 – 26,4 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Tôn Đức Thắng 20-24 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Tài chính-Marketing chương trình chuẩn 25 triệu đồng/năm, chương trình đặc thù 30 triệu đồng/năm, chương trình tài năng và tích hợp 40 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh toàn phần 60 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: 25-27 triệu đồng/năm;
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM 19 – 23 triệu đồng/năm

Các ngành đặc thù tại Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM rất ít SV nên năm 2021 trường phải mở thêm ngành bất động sản và quản lý hạ tầng cơ sở, còn năm nay mở thêm ngành kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu với hy vọng tăng thêm người học.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM 3 năm nay cũng vẫn giữ nguyên mức HP từ 10-12 triệu đồng/SV/năm. “Tuyển sinh của trường thì vẫn ổn, tuy nhiên ngân sách giảm, HP không được tăng nên trường phải tìm thêm kinh phí bằng cách xây dựng các dự án, đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế, chuyển giao công nghệ, nhưng các khoản thu này cũng rất thấp”, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thông tin.

Về khoản đầu tư, ông Lý cho rằng trường đã phải nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để được hỗ trợ. “Nếu chỉ trông chờ vào HP hay các nguồn thu khác thì không thể có đủ tiền để đầu tư. Nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, gánh nặng HP cho người học được giảm đi rất nhiều”, ông Lý bày tỏ.

MONG CÓ CHÍNH SÁcH HỖ TRỢ NHƯ NGÀNH SƯ PHẠM

PGS-TS Trần Thanh Đức cho rằng nông-lâm-ngư nghiệp là khối ngành đặc thù rất khó cạnh tranh với các khối ngành khác về tuyển sinh. Vì vậy nếu kéo dài tình trạng ngân sách giảm, HP không tăng và tuyển sinh thấp như hiện nay thì rất khó khăn.

“Chỉ với nguồn thu từ HP và kinh phí khác không đáng kể thì không thể giữ được đội ngũ giảng viên trình độ cao, đầu tư cơ sở vật chất cũng hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nghị quyết về tam nông của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VIII đưa ra mục tiêu đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nhấn mạnh nội dung về đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, nhà nước nên có hỗ trợ giống như hỗ trợ ngành sư phạm, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hơn”, PGS-TS Đức đề xuất.

TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết 3 năm nay trường không tăng HP và ngân sách giảm nhưng với khoảng 2.500 SV tuyển mỗi năm trường vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập cho giảng viên. “Không tăng HP giải quyết được vấn đề xã hội nhưng lại hạn chế trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo của các trường khi mà 95% hoạt động là lấy từ nguồn HP. Để có chiến lược phát triển đầu tư lâu dài và đầu tư lớn thì nguồn thu này không đủ. Nếu không cho các trường tăng HP thì nhà nước tạm thời không nên giảm ngân sách để khoản này bù cho phần thiếu hụt không được tăng HP”, tiến sĩ Duy nêu quan điểm.

5/5 - (1 bình chọn)

Giúp Trường Việt Nam lan toả nội dung này
Của cùng tác giả:
Scroll to Top