Chiều nay (26.8), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH tại TP.HCM. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong hội nghị liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, cho rằng năm học 2022-2023 là một năm có nhiều chuyển biến tích cực trong giáo dục ĐH. Trong đó, tự chủ ĐH đã nâng cao hiệu quả quản trị ĐH trong toàn hệ thống. Công tác tuyển sinh ĐH và CĐ sư phạm mầm non đã được ghi nhận, đánh giá là điểm sáng của ngành giáo dục trên cơ sở ứng dụng triệt để của công nghệ thông tin. Số chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh, nhất là kiểm định nước ngoài. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng nghệ trong dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực. Khoa học công nghệ dần chú trọng chất lượng, thực chất. Các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, giáo dục ĐH vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, cùng những tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như chậm kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở một số cơ sở giáo dục ĐH, sự lúng túng trong phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa hội đồng trường và ban giám hiệu, việc một số cơ sở đào tạo vi phạm các quy định về mở ngành, tuyển sinh, liên kết đào tạo… Việc triển khai thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm cũng là ví dụ.
Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy, cho biết so sánh kết quả 3 năm học, có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng giữa các trình độ và hình thức đào tạo khác nhau.
Đến thời điểm này, tình hình tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023, tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp không tăng, thậm chí giảm nhẹ so với 2022. Tuy nhiên, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH và CĐ sư phạm tăng nhẹ (tăng gần 5% so với năm ngoái). Với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến 100%. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng đáng kể với gần 3,4 triệu nguyện vọng. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 tăng gần 8% so với năm ngoái. Số thí sinh trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 chiếm tới 49,1%.
“Trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Đặc biệt, số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chiếm 32,2%. Đây là cảnh báo tới các trường để điều chỉnh công tác tuyển sinh ở những năm sau. Ngoài ra, số thí sinh trúng tuyển thẳng theo quy chế xác nhận nhập học cũng chỉ chiếm hơn 30%. Điều này cho thấy thí sinh còn những lựa chọn hướng đi khác”, Vụ trưởng Thu Thủy thông tin.
Từ số liệu trên, đại diện Vụ Giáo dục ĐH cho rằng năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Cũng trong hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy định hướng các cơ sở giáo dục ĐH về việc hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2023-2024. “Nếu giữ ổn định là tốt nhất, để chuẩn bị có sự thay đổi từ năm 2025 khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Vụ trưởng nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH đề nghị các cơ sở giáo dục hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023-2024, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025. “Các cơ sở giáo dục ĐH hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Vụ trưởng Thu Thủy nhấn mạnh.
Nhận định của Trường Việt Nam:
Trong báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT đã đề cập đến công tác tuyển sinh ĐH. Có những tiến bộ đáng kể trong giáo dục ĐH như nâng cao hiệu quả quản trị ĐH, công tác tuyển sinh được cải thiện nhờ sử dụng công nghệ thông tin và kiểm định nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn và vướng mắc, như chậm kiện toàn hội đồng trường, lúng túng trong phân định thẩm quyền, vi phạm quy định về mở ngành và đào tạo. Ngoài ra, việc xét tuyển sớm cũng tạo ra nhiều thí sinh ảo. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ĐH cần hoàn thiện phương thức tuyển sinh và xác định định hướng từ năm 2025 để tránh làm phức tạp và rắc rối với thí sinh.