THÔNG TIN VỀ QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ TRẢ LỆ PHÍ XÉT TUYỂN VÀ ĐIỂM CHUẨN CÁC NGÀNH HỌC
Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành “hot”?” chiều qua (8.8). Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
TRÊN 91% THÍ SINH THANH TOÁN LỆ PHÍ XÉT TUYỂN
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, năm nay có trên 660.000 thí sinh (TS) đăng ký trên 3,4 triệu nguyện vọng (NV) lên hệ thống chung (chiếm 66% tổng số TS dự thi tốt nghiệp THPT).
Trong chương trình, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, đã chia sẻ thông tin mới nhất về tình hình TS thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển trên cổng trực tuyến của Bộ GD-ĐT. Thạc sĩ Thạch cho biết theo số liệu thống kê đến cuối ngày 5.8, số lượng TS hoàn tất thanh toán lệ phí đã lên tới 91%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số ít TS đã gặp trục trặc. Trong đó, có TS quên việc nộp lệ phí để xác nhận NV; có TS thực hiện nhưng chưa hoàn tất các bước thanh toán.
Cũng theo thạc sĩ Thạch, năm nay số lượng NV đăng ký xét tuyển vào các ngành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM tăng từ 20 – 30% so với năm trước. Trong đó, các ngành được TS quan tâm nhiều là: kinh tế, quản trị dịch vụ, tài chính, luật và truyền thông.
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho hay năm nay trường tuyển 12.500 chỉ tiêu và có trên 40.200 TS đăng ký xét tuyển đợt 1. Năm nay các ngành được quan tâm nhiều của trường là: công nghệ thông tin, marketing, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện, digital marketing, thú y… “Các ngành này năm nay điểm chuẩn cũng khá cao”, ông Huy dự đoán.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho biết ngoài các ngành truyền thống luôn thu hút TS như quản trị kinh doanh và khoa học máy tính, thì một số ngành mới của trường cũng đang thu hút người học như: đông phương học, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kế toán, ngôn ngữ Anh. “Điểm sàn trường công bố là 17 điểm nhưng điểm chuẩn các năm trước cao hơn từ 1 – 2 điểm so với điểm sàn”, thạc sĩ Thạch thông tin thêm.
THÍ SINH TRÚNG TUYỂN LƯU Ý VỀ XÁC NHẬN NHẬP HỌC
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH hoàn tất quy trình lọc ảo để công bố kết quả xét tuyển đợt 1. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch cho biết đến trước 17 giờ ngày 20.8, các trường hoàn thành việc lọc ảo để công bố kết quả xét tuyển đợt 1. Từ 17 giờ ngày 20.8 đến 22.8, các trường ĐH có 48 giờ để thực hiện việc công bố kết quả này tới TS qua nhiều hình thức, ví dụ tin nhắn SMS, thư điện tử, gọi điện thoại thông báo…
Về vấn đề này, thạc sĩ Thạch lưu ý: “TS cần lưu ý điện thoại của mình trong giai đoạn này và sử dụng đúng số điện thoại mình đã đăng ký trên cổng thông tin của Bộ. Từ thông báo của các trường, TS phải thực hiện xác nhận trên cổng thông tin của Bộ trước khi đến trường ĐH nơi mình trúng tuyển để hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học”.
“Những TS đủ điều kiện trúng tuyển sớm đã xác nhận NV theo đúng các bước thì yên tâm chắc chắn đã trúng tuyển. TS chỉ chờ đợi điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT”, thạc sĩ Thạch nói thêm.
Ông Vũ Quang Huy cũng có lưu ý tương tự: “Những TS trúng tuyển đợt 1 cần chú ý thực hiện xác nhận nhập học đúng thời gian quy định chung của Bộ GD-Đ từ ngày 22.8 đến 6.9. Các em chú ý tận dụng cơ hội để nhận được các suất học bổng giá trị khi tham gia nhập học sớm tại các trường ĐH”.
Liên quan đến hồ sơ xác nhận nhập học, thạc sĩ Trần Văn Trắng đặc biệt lưu ý TS về 2 giấy tờ quan trọng gồm: giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thạc sĩ Trắng cho biết Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chỉ sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời bản photocopy có công chứng của địa phương. “Trường không nhận bản gốc vì bản gốc này TS còn cần sử dụng khi về trường THPT nhận bằng tốt nghiệp THPT”, thạc sĩ Trắng lý giải.
Riêng về giấy chứng nhận kết quả thi, thạc sĩ Trắng lưu ý, mỗi TS chỉ được cấp 1 bản gốc. Do đó, chỉ trong trường hợp xác nhận nhập học chính thức TS mới nộp giấy này cho trường. Theo quy chế tuyển sinh, các trường ĐH sẽ không hoàn trả giấy này cho TS sau khi nộp vì khi nhận được, trường sẽ nhập mã vạch có trên giấy chứng nhận này lên hệ thống của Bộ. “Có thể ở thời điểm này các bạn chưa hình dung được sự khác nhau giữa giấy tốt nghiệp tạm thời và giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT chính là 12 mã số (mã vạch) trên góc phải tờ giấy”, thạc sĩ Trắng nói.
Nhận định của Trường Việt Nam về bài viết:
Kết thúc thanh toán lệ phí, điểm chuẩn các ngành trong tuyển sinh năm nay đã có những diễn biến như thế nào? Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, đã có hơn 660.000 thí sinh đăng ký trên 3,4 triệu nguyện vọng lên hệ thống chung, chiếm 66% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Số lượng thí sinh hoàn tất thanh toán lệ phí đã lên tới 91%, tuy nhiên vẫn có một số ít thí sinh gặp trục trặc trong quá trình thanh toán. Các ngành được thí sinh quan tâm nhiều năm nay bao gồm kinh tế, quản trị dịch vụ, tài chính, luật và truyền thông. Các ngành này dự kiến sẽ có điểm chuẩn cao. Các trường đại học như ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng đã công bố số lượng chỉ tiêu và thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển cần lưu ý việc xác nhận nhập học, sử dụng đúng số điện thoại đã đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và thực hiện xác nhận trước khi đến trường để hoàn thành thủ tục nhập học. Ngoài ra, thí sinh cần chú ý về các giấy tờ quan trọng như giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo thủ tục nhập học được tiến hành thuận lợi.