Ngày nay, đứng đằng sau sự phát triển ổn định của một tổ chức, doanh nghiệp, việc kiểm tra và xác minh các thông tin tài chính được xem là một mảnh ghép quan trọng nhằm đảm bảo tính trung thực và minh bạch của doanh nghiệp. Vì vậy, sự ra đời của ngành kiểm toán đóng góp một phần lớn trong sự ổn định và phát triển doanh nghiệp.
Cùng Trường Việt Nam tìm hiểu về ngành kiểm toán trong công cuộc giáo dục đào tạo cũng như tương lai của ngành kiểm toán sau khi ra trường ở bài viết dưới đây!
Tổng quan về ngành kiểm toán
Kiểm toán hay kế toán ngày nay được nhiều bạn sinh viên lựa chọn và theo đuổi trên con đường sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng hiểu rõ được bản chất thực sự cũng như các nhiệm vụ mà ngành kiểm toán sẽ phải làm cho doanh nghiệp.
Khái niệm về ngành kiểm toán
Ngành kiểm toán là một ngành học chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính – kế toán, nghiên cứu và đào tạo về các lý thuyết, phương pháp, kỹ năng và chuẩn mực kiểm toán. Ngành kiểm toán cung cấp cho sinh viên những kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán như: tính toán chi phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu…
Ngành kiểm toán cũng trang bị cho sinh viên những kỹ năng chuyên môn cần thiết như đọc báo cáo tài chính, phân tích tài chính, các kỹ năng thương lượng, đàm phán… Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ngoại ngữ, tin học, lập kế hoạch, giải quyết tình huống… để tự tin hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.
Các nhiệm vụ chính của ngành kiểm toán
Ngành kiểm toán chiếm giữ một vị trí hết sức quan trọng đối với tổ chức và doanh nghiệp, nó thực hiện các nhiệm vụ như:
- Kiểm tra tính chính xác của thông tin tài chính: Các thông tin liên quan đến tài sản, nợ, thu chi và lợi nhuận. Đảm bảo các thông tin này có chính xác hay không. Đồng thời, đảm bảo các giao dịch liên quan được ghi chép đúng ngày, đúng cách, đúng quy định.
- Đảm bảo công ty tuân thủ quy định và tiêu chuẩn kế toán: Đối với nhiệm vụ này, kiểm toán có trách nhiệm kiểm tra tất cả các giao dịch đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc và quy định tài chính hiện hành hay chưa.
- Phát hiện và báo cáo rủi ro: Có trách nhiệm tìm kiếm và phát hiện bất kỳ rủi ro nào liên quan đến tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của tổ chức.
- Đánh giá hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo tổ chức có các biện pháp đối phó với rủi ro và đảm bảo tính trung thực, minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
- Cung cấp các ý kiến liên quan đến kiểm toán: các ý kiến như “đã kiểm toán” hoặc “chưa kiểm toán”. Từ đó, giúp các nhà đầu tư, ngân hàng đưa ra quyết định dễ dàng hơn.
Kỹ năng và tố chất của ngành kiểm toán
Kỹ năng
Để trở thành một kiểm toán viên chuyên nghiệp, bạn cần có những kỹ năng sau:
- Kỹ năng chuyên môn: cần có kiến thức vững chắc về các lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật và chuẩn mực kiểm toán, cũng như các quy định pháp luật liên quan đến tài chính – kế toán.Ngoài ra, cũng cần biết cách sử dụng các phần mềm và công cụ hỗ trợ cho công việc kiểm toán như Excel, Word, PowerPoint, Access…
- Kỹ năng phân tích: có khả năng phân tích các thông tin tài chính và hoạt động của tổ chức hoặc công ty được kiểm toán, để nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu, rủi ro và cơ hội và khả năng đưa ra những nhận xét, đánh giá và ý kiến khách quan và hợp lý dựa trên các bằng chứng thu thập được.
- Kỹ năng giao tiếp: có khả năng giao tiếp tốt bằng cả lời nói và viết, để có thể trao đổi thông tin với các bên liên quan trong quá trình kiểm toán, như khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên… Hơn nữa, cũng cần biết cách lập báo cáo kiểm toán một cách rõ ràng, súc tích và dễ hiểu.
- Kỹ năng làm việc nhóm: khả năng làm việc hiệu quả với các thành viên trong nhóm kiểm toán, để có thể phối hợp, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
- Kỹ năng tự học: khả năng tự học và cập nhật liên tục các kiến thức mới về tài chính – kế toán, kiểm toán và các lĩnh vực liên quan. Khả năng tự rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân cũng không ngoại lệ đối với một nhân viên kiểm toán chuyên nghiệp.
Các tố chất cần có
- Độc lập: Tính độc lập nhằm giúp nhân viên không để bất kỳ lợi ích hay áp lực nào ảnh hưởng đến quyết định và công việc kiểm toán của mình. Độc lập giúp giữ được thái độ trung thực và khách quan, đảm bảo tính minh bạch, đáng tin cậy trong báo cáo.
- Cẩn thận: Tập trung vào từng bước thực hiện công việc để đảm bảo thông tin chính xác và các hoạt động của công ty được kiểm toán đúng cách.
- Sáng tạo: Sáng tạo nhằm giúp nhân viên kiểm toán có thể giải quyết công việc một cách linh hoạt và hiệu quả. Điều này bao gồm quá trình đưa ra nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến để mang lại những kết quả tốt hơn, đồng thời mang lại thể hiện rõ được giá trị trong mắt khách hàng.
- Nhiệt huyết: Không thể phủ nhận đây là một công việc thách thức và đòi hỏi sự cống hiến lớn. Nhân viên kiểm toán cần không ngừng học hỏi để cải thiện mình, đồng thời để có thể giao tiếp hiệu quả và làm việc trong môi trường đa dạng và liên tục thay đổi.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành kiểm toán
Đối với thực trạng hiện nay, ngành kinh tế không ngừng đổi mới và phát triển, số lượng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng lên rõ rệt. Chính vì vậy nên đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các sinh viên ngành kiểm toán. Hơn thế nữa, Việt Nam đang được các tập đoàn đa quốc gia chú trọng rót vốn đầu tư, là nơi cho các sinh viên sau ra trường có cơ hội trải nghiệm, học tập và phát triển.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng hằng năm, số lượng sinh viên ra trường lớn khiến các nhà đầu tư phần nào đau đầu trong công cuộc tuyển dụng. Trên thực tế, ngày nay, số lượng các nhu cầu tìm kiếm việc làm nhiều tuy nhiên lại không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Những yếu tố này bao gồm kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp, các chứng chỉ khác liên quan,…
Với vị trí việc làm, sinh viên có thể lựa chọn làm việc tại các tổ chức hoặc công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau, như ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, sản xuất, dịch vụ… với hai hình thức chính là:
- Kiểm toán nội bộ: Là người làm việc cho một tổ chức hoặc công ty, thực hiện quá trình kiểm toán các hoạt động tài chính và kinh doanh của tổ chức hoặc công ty đó, để giúp cho ban lãnh đạo có được cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính và hoạt động của tổ chức hoặc công ty, từ đó có những quyết định phù hợp.
- Kiểm toán độc lập: Là người làm việc cho một tổ chức hoặc công ty khác, thực hiện quá trình kiểm toán các hoạt động tài chính và kinh doanh của một tổ chức hoặc công ty khác, để giúp cho các bên liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng… có được cái nhìn khách quan về tình hình tài chính và hoạt động của tổ chức hoặc công ty được kiểm toán.
Nên học ngành kiểm toán ở đâu?
Hiện nay, không khó để tìm được một cơ sở đào tạo chuyên ngành kiếm toán. Trong đó, có thể điểm qua một số ngôi trường tiêu biểu như:
- Đại học Kinh tế Quốc dân: được biết đến là một trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu Việt Nam. Với lịch sử phát triển cũng như các thành tựu vẻ vang trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đại học Kinh tế Quốc dân là một lựa chọn tốt cho các sinh viên khi có mong muốn theo học ngành kiểm toán.
- Đại học Ngoại thương: Được đánh giá rất cao về chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên, đồng thời, ghi ấn tượng với hàng loạt các góp ý phát triển trong ngành kinh tế nước nhà. Đại học Ngoại thương cũng không ngoại lệ khi được nhiều bạn trẻ ưu ái lựa chọn theo học khi có niềm đam mêm với ngành kiểm toán.
- Học viện Tài chính: Một cái tên không thể bỏ qua trong công tác đào tạo giảng dạy về ngành Kiểm toán. Ngôi trường này được mệnh danh là cái nôi nuôi dưỡng, đào tạo ra nhiều nhân tài trong ngành kế toán, kiểm toán ngày nay. Đây cũng chính là ngôi trường với chất lượng giảng dạy ngành kế toán – kiểm toán hàng đầu miền Bắc.
- Học viên Ngân hàng: để trả lời cho câu hỏi “Học kiểm toán nên học ở đâu?” thì không thể bỏ qua Học Viên Ngân Hàng. Sinh viên theo học ngành kiểm toán tại đây được đào tạo chuyên nghiệp với chương trình vô cùng chất lượng. Cùng với đó là những buổi thực hành thực tế, giúp sinh viên có cái nhìn rõ nét hơn và tiếp xúc gần hơn với ngành học.
- Trường Đại học Tài chính – Marketing: là ngôi trường có mối quan hệ rộng với rất nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, không chỉ với chất lượng đào tạo tốt, đây cũng mở ra cơ hội việc làm cho các sinh viên thuận tiện hơn sau khi ra trường.
Kết luận
Ngành kiểm toán hiện nay vẫn đóng một vai trò quan trọng không thể thay đổi trong mỗi doanh nghiệp. Với trách nhiệm đảm bảo tính trung thực, tin cậy và tuân theo quy định, nó đóng góp đáng kể vào sự minh bạch, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp
Nếu bạn là người yêu thích những con số, quan tâm đến các hoạt động tài chính và đề cao tính trung thực thì ngành kiểm toán là một lựa chọn đúng đắn. Hơn thế nữa, việc phát triển doanh nghiệp hay các công ty đa quốc gia đang muốn mở rộng quy mô cũng chính là mảnh đất trù phú để bạn nuôi dưỡng cho ước mơ của mình. Còn ngại gì nữa, đăng ký ngay ngành kiểm toán được chìm đắm trong sở thích của mình ngay thôi!